Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Đề án 06
Sáng 9/8, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình. Cùng dự có Đại tá Phạm Văn Sơn, UVBTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; các đồng chí thành viên, giúp việc Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh BìnhKể từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục; Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số; Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật cá nhân cũng được quan tâm, chú trọng hơn. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1% - tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân.

Tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước, 14 địa phương; hoàn thành đồng bộ dữ liệu hơn 92 triệu mũi tiêm phòng COVID-19; thông tin về giáo dục của gần 1,9 triệu công dân; thông tin hộ chiếu của trên 1,3 triệu công dân; thông tin của trên 1 triệu thuê bao di động để giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác; kết nối dữ liệu để làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng. 

Tại tỉnh Ninh Bình cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ bản 25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, trong đó Công an tỉnh chủ trì triển khai thực hiện 11 dịch vụ, các Sở ngành: Tư pháp, Giao thông vận tải, Bảo hiếm xã hội tỉnh, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo thực hiện 14 dịch vụ. 

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp công nghệ trong 6 tháng qua, góp phần tạo nên những kết quả rất tích cực trong công tác chuyển đổi số, khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm ngay để sớm đạt được mục tiêu đề án đã đề ra, trong đó xác định rõ, đây không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Việc sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao. Dữ liệu này không chỉ phục vụ phát triển Chính phủ số mà còn phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số văn minh, hiện đại ngang tầm quốc tế, khu vực; bắt kịp xu thế thời đại; Cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định tại Đề án 06, đặc biệt là cung cấp đủ 25 dịch vụ công thiết yếu, phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng ứng dụng công dân số quốc gia.  Quá trình thực hiện cần chú trọng hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; doanh nghiệp.

Thực hiện tốt Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung sẽ từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”. Vì vậy việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính thuận lợi, công khai, minh bạch, sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân.

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập