Nhân ngày Khuyến học Việt Nam 02/10, tuần lễ học tập suốt đời: Nói về sự học

      Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh đạo kính yêu của dân tộc Việt Nam rất coi trọng việc học tập; Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, vì mọi người, Người xác định học tập là kim chỉ nam cho mọi hành động, Bác chỉ rõ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Muốn xây dựng thành công XHCN thì phải có nguồn lực dồi dào”, Người cổ vũ toàn dân “Chúng ta phải học và hoạt động Cách mạng suốt đời… còn sống thì còn phải học”,  Người nhấn mạnh “Không học thì không theo kịp, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”, Người yêu cầu mọi người ai cũng cần phải học tập vì “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Chính vì thế, ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công Người phát động phong trào diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ cho toàn dân, yêu cầu từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm việc gì thì ai cũng phải đi học, người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Bác thường xuyên căn dặn“Vì lợi ích mười năm trồng cây,vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác khuyến học, khuyến tài của nước ta trong những năm vừa qua đã được quan tâm phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động khuyến học đang dần đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu; giáo dục-đào tạo ngày càng trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự học trong nhân dân.

Đặc biệt, tháng 9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 (Đại hội lần thứ Nhất Hội Khuyến học Việt Nam) là "Ngày Khuyến học Việt Nam.”

Kể từ đó, ngày 2/10 đã trở thành ngày hội khuyến học toàn xã hội quan tâm đến sự học. Sự kiện này cũng trở thành dấu mốc quan trọng để kết nối, hội tụ các hoạt động và sáng kiến khuyến học, khuyến tài, tôn vinh các giá trị văn hóa học tập của từng vùng miền, dân tộc, địa phương, cộng đồng.

Ngày Khuyến học Việt Nam cũng góp phần cổ vũ và khích lệ phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo hướng phục vụ các nhiệm vụ phát triển, đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong thời kỳ chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 2/10 hằng năm trở thành dấu mốc thời gian quan trọng để kết nối, hội tụ các hoạt động và sáng kiến khuyến học, khuyến tài tôn vinh các giá trị văn hóa học tập của từng vùng miền, dân tộc, địa phương, cộng đồng; cổ vũ và khích lệ phong trào thi đua KHKT xây dựng XHHT theo hướng phục vụ các nhiệm vụ phát triển và đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục cách mạng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời kỳ chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ xa xưa, ông cha ta đã rất coi trọng “Sự học”, luôn thấy rằng học tập là quan trọng là vấn đề cốt lõi của sự phát triển, sự học luôn được đề cao “nhân bất học bất tri lý” và quan niệm “Cho con một hũ vàng không bằng cho con một nang chữ”, coi “Việc học tập như cuốn sổ không có trang cuối”…Ông cha ta ngày xưa quan niệm mục đích của việc học trước hết là để làm người, rồi sau đó là tham gia việc làng, việc nước:“Học là học để làm người/ Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi” khuyên chúng ta phải học tập để trở thành người có ích và nên học những gì tốt chứ không nên học tập những cái xấu, cho nên, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, cha mẹ vẫn cố gắng cho con em mình đi học. Ông cha ta đã khẳng định vai trò quan trọng của việc học tập:“Người mà không học, khác gì đi đêm/ Người không học như ngọc không mài” khẳng định nếu không học con người sẽ trở nên tăm tối, nếu là ngọc mà không được mài giũa thì cũng không có giá trị gì, các cụ khuyên chúng ta cần phải học những đạo lý, lễ nghĩa làm người “Người không học, không có sự hiểu biết/ Trẻ mà không học, lớn không làm được việc gì”;“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, đã cho thấy việc học không có bất cứ giới hạn nào, mà học tập là trách nhiệm, là quyền lợi, nó đòi hỏi mọi sự nỗ lực và quyết tâm cao của mỗi người, nhắn nhở chúng ta phải rèn luyện ý chí  nghị lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống“Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”.Từ xa xưa giá trị của việc học tập và sự hiểu biết đã luôn được ông cha ta đề cao, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người, những giá trị đích thực của đời người chỉ có thể được tạo nên bởi học tập“Làm người mà được khôn ngoan, cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay” theo ông cha việc học ở đây còn là học những điều cơ bản trong cuộc sống mà con người cần phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho tế nhị, văn minh“Học ăn học nói, học gói, học mở” Ngụ ý muốn khuyên bảo rằng, muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời thì phải sâu sát, lăn lộn với thực tế cuộc sống để học hỏi những tri thức của cuộc sống, để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết của bản thân. Và sự cố gắng, chăm chỉ học hành đó sẽ mang lại những kết quả đáng trân quý“Học hành vất vả kết quả ngọt bùi” việc học tập siêng năng sẽ giúp chúng ta có kiến thức, và sử dụng kiến thức đó để mưu sinh trong cuộc sống. Sự thành đạt của mỗi con người đều được bắt nguồn từ sự học tập không ngừng. Để học tập tốt ngoài sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ của bản thân mỗi người còn đòi hỏi cần phải có sự dạy bảo của thầy, cô giáo; không có người nào “làm nên” sự nghiệp mà không có sự dạy dỗ, bảo ban của thầy, cô giáo:“Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói “đố mày làm nên”. Vai trò của người thầy quan trọng là vậy, vì thế phải tôn trọng, yêu kính thầy, đó là đạo lý ở đời“Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy, và khẳng định sự học là suốt đời: “Dốt đến đâu học lâu cũng biết”;“Học khôn đến chết, học nết đến già”…

Theo Bác, “việc trồng người” tức là phải giáo dục đạo đức, học lẽ sống lương thiện, phải học tập, có học tập thì mới có kiến thức để lao động, công tác được tốt; học tập là việc phải làm trong cả cuộc đời mỗi con người, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, đặc biệt coi trọng phương pháp tự học, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, “học trong đời sống của mình…học ở giai cấp công nhân”, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học mọi lúc mọi nơi, học trong giao tiếp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong thành công và ngay cả trong thất bại, học trong công tác vận động quần chúng. Người chỉ rõ: Thông qua học tập tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ Đảng viên có điều kiện gần gũi nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân từ đó tham mưu đề xuất, tiếp tục bổ sung, sửa đổi thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đàng và Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Bác cho rằng: Cuộc sống là trường học thực tiễn sinh động, là nơi đề “thực hành” những điều đã học; quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới; lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm ./.

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập