Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của
các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát
triển bền vững.
Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới
cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và
cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội
để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình
phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành
quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho
thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình
đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã
hội (bình đẳng trong tiếng nói).
Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ
nữ, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững
được các quốc gia cam kết thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển
kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta
quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể
hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 12 năm
2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược
quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2022. Chiến lược có mục tiêu tổng
quát là: “Đến năm 2022, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ
về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn
hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, nhà nước về bình đẳng giới, từng
bước hiện thực hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành
viên, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chương
trình hành động và các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Nhờ đó công
tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc
sống của phụ nữ, trẻ em gái đã được cải thiện đáng kể.
Quý vị và các bạn thân mến!
Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống
bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề: “Chủ động phòng, chống bạo lực,
xâm hại phụ nữ và trẻ em” nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách
nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng,
cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và
trẻ em. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới
và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực
hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng
giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ
năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, cho cha, mẹ,
các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ,
chăm sóc trẻ em. Giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ
em; đẩy mạnh công tác phòng, ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các
vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Buổi Lễ hưởng ứng Tháng hành động vì
bình đẳng giới hôm nay là khởi đầu của chuỗi hoạt động tại các đơn vị, huyện,
thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn… với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết
thực gắn với chủ đề của Tháng hành động và nội dung hoạt động bình đẳng giới
năm 2022 và những năm tiếp theo.
Hãy để thông điệp “Chủ động phòng,
chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” là phương châm hành động của mỗi chúng
ta nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển
bền vững./.