Kỷ niệm 62 năm Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam (10/8/1961-10/8/2023)
Cách đây 62 năm, ngày 10-8-1961, Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Do đó, ngày 10-8 hằng năm đã trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác động hại đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Theo các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người, cần 85 gram/dioxin (bằng một thìa súp) có thể giết chết 8 triệu người dân của một thành phố. Các Viện sỹ viện Hàn lâm y học Hoa Kỳ đã chứng minh nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin ( gọi tắt là CĐDC) có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh. Tác động quan trọng trong gây đột biển gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là dị dạng, dị tật hoặc tâm thần phân liệt… nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Họ sinh và nuôi con mà ruột đau như cắt, nuôi con càng nhiều năm gia cảnh càng nghèo, con càng lớn càng đau khổ, nỗi khổ đeo đẳng cho cha, mẹ, ông bà và dòng họ trong suốt cuộc đời. Những ông bố, bà mẹ thì mang trong người những căn bệnh ung thư, bệnh nan y khác đang gặm nhấm từng tế bào giằng xé nỗi đau và cuộc sống của họ. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, trong những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân xã Mỹ Thắng đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”; tích cực vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, tặng quà; vào các ngày lễ, tết thường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, hội chữ thập đỏ…thăm, tặng quà, qua đó, động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nó vẫn tồn tại đến bây giờ và dường như là mãi mãi dưới cái tên “Nỗi đau chất độc da cam”, chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới hiểu sự mất mát và cũng chỉ có gia đình nào không may có con, em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam mới thấm thía được nỗi đau khổ và sự thiệt thòi. Kỉ niệm 62 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 là dịp để khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; cổ vũ, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng./.